Bảo hộ công dân và pháp nhân ở nước ngoài: Quán triệt phương châm chủ động, kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả
Những năm qua, công tác bảo hộ luôn được thực
hiện theo phương châm “Bảo hộ chủ động, kịp thời, nhanh chóng, hiệu
quả”. Từ khi Quỹ Bảo hộ công dân chính thức hoạt động đến nay, dưới sự
chỉ đạo sát sao của Phó Thủ tướng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia
Khiêm, với tinh thần BHCD là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các
CQĐD VNONN, công tác BHCD đã có những bước phát triển đột phá với nội
dung, chất lượng cao.
Kiều bào tại Canberra phấn khởi nhận giấy miễn thị thực
|
Công tác bảo hộ công dân – một số vấn đề đặt ra
Theo số liệu thống kê của Ủy ban Nhà nước về NVNONN, hiện có khoảng 4 triệu người Việt Nam
định cư ở các nước và vùng lãnh thổ. Trong xu thế mở cửa hội nhập, số
lượng công dân Việt Nam ra nước ngoài ngày càng gia tăng về số lượng và
thành phần như: du học, thực tập sinh, lao động, tham quan, du lịch, hội
chợ, triển lãm, buôn bán, đầu tư, kết hôn với người nước ngoài, xuất
cảnh định cư, hội nghị, hội thảo quốc tế, khu vực… Trong đó, tại nhiều
địa bàn, số lượng người Việt tăng nhanh như ở Hàn Quốc, Đài Loan có hàng
trăm nghìn phụ nữ Việt Nam kết hôn với công dân sở tại; còn tại Úc,
hiện có khoảng 12 nghìn du học sinh.
Ngoài
ra, theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có khoảng 5
trăm nghìn lao động Việt Nam đi làm việc theo nhiều hình thức ở hơn 40
nước và vùng lãnh thổ như Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,
Ả-rập-xê-út, UAE, Lào, Mông Cổ, Síp, Macao, Angola, Lào, Trung Quốc…
Nhìn chung lao động Việt Nam
được chủ sử dụng lao động đánh giá cao vì cần cù, chịu khó và học hỏi
nhanh. Tuy nhiên, người lao động ta còn nhiều hạn chế và kém cạnh tranh
so với lao động ở một số nước khác như Phillipine, Indonesia, Thái Lan,
Ấn Độ… như thể lực yếu hơn, khả năng ngoại ngữ kém, sức chịu đựng kém
khi làm việc tại môi trường khắc nghiệt, nhiều người kém ý thức tôn
trọng luật pháp và phong tục tập quán nước sở tại.
Một
vấn đề nổi cộm hiện nay do số lượng lao động bất hợp pháp tăng nhanh
nên tình hình tội phạm và vi phạm luật pháp sở tại như cướp bóc, ăn
trộm, ăn cắp, trấn lột, cờ bạc, mại dâm cũng gia tăng tại một số địa bàn
đông lao động bất hợp pháp như Malaysia, Hàn Quốc, Nga, Qatar…
NVNONN
gia tăng và đa dạng về thành phần đã đặt ra những vấn đề khó khăn, phức
tạp cho công tác bảo hộ công dân (BHCD). Qua thực tiễn công tác, Bộ
Ngoại giao nhận thấy, việc bảo hộ đối với người Việt Nam đi làm việc ở
nước ngoài theo hợp đồng cá nhân hoặc những người tự ý bỏ hợp đồng, ở
lại nước ngoài làm việc trái phép, những người bị lừa đảo xuất khẩu lao
động sống lang thang ở nước ngoài, phụ nữ bị lừa bán ra nước ngoài làm
gái mại dâm, đang là vấn đề nan giải đối với công tác này. Do họ không
đăng ký công dân với Cơ quan đại diện (CQĐD), không ai quản lý, nên khi
có tai nạn, rủi ro… xảy ra với những đối tượng này, chưa thể khẳng định
ngay họ có phải là công dân Việt Nam hay không để tiến hành bảo hộ, giúp
đỡ. Để có thể giúp đỡ, bảo hộ cho họ, CQĐD cần có một thời gian nhất
định để tiến hành xác minh kể từ khi nhận được thông tin. Ngoài ra, phải
tìm nguồn tài chính để chi phí và mua vé máy bay đưa họ về nước vì
nguồn chi của Quỹ BHCD chủ yếu là trên nguyên tắc tạm ứng hoặc có bảo
lãnh, đặt cọc.
Đa dạng biện pháp bảo hộ công dân
Thể
hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta trong công tác BHCD và pháp
nhân VNONN, Nhà nước ta đã ký kết hoặc tham gia nhiều điều ước quốc tế,
thể chế hóa nhiều văn bản pháp luật.
Đến
nay, Chính phủ đã mở 67 Đại sứ quán, 23 Tổng Lãnh sự quán và 7 Cơ quan
Lãnh sự danh dự ở khắp các châu lục. Chính phủ đã cho phép tiếp tục mở
thêm một số CQĐD trong vòng ba năm tới, đưa con số CQĐD VNONN lên gần
100 cơ quan. Với bộ máy này, công tác bảo hộ, giúp đỡ công dân ở nước
ngoài đã và chắc chắn sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực. Tại các Đại sứ
quán ở địa bàn có đông lao động Việt Nam như: Malaysia, Hàn Quốc, Nhật
Bản, Đài Loan, Qatar, UAE, Séc…, đều đã thành lập Ban Quản lý lao động.
Ở
nước ngoài: Cử viên chức Lãnh sự tiến hành thăm lãnh sự đối với công
dân bị giam giữ, bị tù; gặp gỡ, đấu tranh trực tiếp, can thiệp, bày tỏ
quan điểm pháp lý với cơ quan chức năng sở tại; gửi thư, công hàm trực
tiếp cho cơ quan chức năng hoặc Bộ Ngoại giao sở tại; gửi thư cá nhân
hoặc Đại sứ, Tổng Lãnh sự trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc với đại diện cơ
quan hữu quan sở tại hoặc gửi công hàm Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán để
bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân và pháp nhân Việt Nam.
Ở
trong nước: Lãnh đạo Bộ Ngoại giao triệu đại sứ, trao công hàm; trả lời
phỏng vấn báo chí của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao hoặc Tuyên bố của
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao về vấn đề bảo về quyền lợi của công dân;
Cục Lãnh sự (Bộ ngoại giao) gửi công hàm cho Đại sứ quán nước ngoài tại
Hà Nội hoặc Cục trưởng Cục Lãnh sự mời Đại sứ nước liên quan trao công
hàm; Bộ Ngoại giao ta gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao nước ngoài liên
quan; cử Đoàn công tác liên ngành trong nước ra nước ngoài thực hiện bảo
hộ.
Ngoài
ra, một số bộ, ngành hoặc hội nghề nghiệp, đoàn thể quần chúng hoặc một
số chính khách của ta phát biểu hoặc ra tuyên bố công khai phản đối,
lên án việc xâm phạm lợi ích hoặc đối xử thô bạo với công dân, pháp nhân
của ta.
Công tác bảo hộ công dân và những vụ việc tiêu biểu
Bộ
Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội rà soát ký
kết Hiệp định lao động với các nước: Lào năm 1995, Ô-man năm 2007, Qatar
năm 2008, LB Nga năm 2008, Kazakstan 2008, UAE 2009, Canada 2010… Đây
là những hành lang pháp lý quan trọng, là cơ sở để bảo hộ quyền và lợi
ích chính đáng của người lao động VNONN.
Về
hợp tác quốc tế, để bảo vệ người lao động VNONN, Bộ Ngoại giao đã kiến
nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Việt Nam trở thành thành viên chính
thức của Tổ chức di cư quốc tế (IOM) tháng 11/2007, tham gia tích cực
các hoạt động tổ chức lao động quốc tế (ILO) cũng như tham gia các diễn
đàn trong nước và quốc tế trong lĩnh vực này.
Ở
một số nước, do thay đổi thể chế chính trị, thay đổi luật pháp, địa vị
pháp lý về cư trú của công dân Việt Nam thường bấp bênh, không rõ ràng,
không hợp pháp, Bộ Ngoại giao và các CQĐD ta ở nước ngoài đã phải đấu
tranh bảo vệ quyền cư trú của công dân thông qua trao đổi, đàm phán với
phía nước ngoài liên quan nhằm hợp thực hóa việc cư trú cho công dân.
Hiện đây vẫn là một trong những chủ đề ưu tiên trong các cuộc họp tư vấn
lãnh sự thường niên của ta với các nước.
Phó
Thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã khai trương Cổng
thông tin điện tử về công tác lãnh sự của Bộ Ngoại giao (địa chỉ http://www.lanhsuvietnam.gov.vn)
nhằm đáp ứng các yêu cầu cập nhật và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan
và các cá nhân nêu trên nhằm giúp các cơ quan chức năng có biện pháp
bảo hộ công dân ta một cách chủ động, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.
Bộ
Ngoại giao đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định
135/QĐ-TTg về Miễn thị thực cho người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài
và thành viên gia đình họ nhằm tạo thuận lợi nhất cho công dân trở về
thăm quê hương, đất nước…
Trang Web của Cục Lãnh sự
|
Các CQĐD ta ở nước ngoài đã cấp hàng chục nghìn hộ chiếu cho người Việt
Nam định cư ở nước ngoài nhằm đáp ứng nguyện vọng giữ quốc tịch Việt Nam
và thuận lợi khi về nước thăm thân, mua nhà tại Việt Nam; cấp hàng
nghìn hộ chiếu cho người bị mất hộ chiếu nhằm tạo địa vị pháp lý để họ
đủ điều kiện xin cư trú hoặc gia hạn cư trú ở nước ngoài; cấp Thông hành
cho lao động bị về nước trước hạn hoặc người bị trục xuất về nước. Tiêu
biểu là việc cấp mới hộ chiếu cho những kiều bào Việt sinh sống lâu đời
tại Lào, Thái Lan không có bất kỳ giấy tờ tuỳ thân, cũng như không có
người thân thích tại Việt Nam, gặp khó khăn trong công tác xác minh nhân thân. Bộ Ngoại giao đã chủ động phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp tổ chức Đoàn
công tác liên ngành sang tận nơi, trực tiếp gặp gỡ, trao đổi để tìm
biện pháp tháo gỡ vướng mắc. Sau chuyến công tác, hàng trăm người ở hai
nước này đã được cấp hộ chiếu, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của bà con
được về thăm quê hương, đất nước, họ hàng và đưa con cái, gia đình về
Việt Nam học tập, chữa bệnh.
CQĐD
ta ở nước ngoài đã thực hiện nhiều vụ việc bảo hộ quyền lợi của người
lao động ghi trong hợp đồng như thiếu tiền lương, mất việc, tai nạn bị
thương, bị chết trong khi lao động… và các quyền lợi khác liên quan.
Điển hình là việc Đại sứ quán Việt Nam tại Qatar đã đấu tranh bảo vệ quyền lợi của lao động Nguyễn Văn Bảy, bị tai nạn lao động dẫn đến tử vong ngày 14/10/2008 tại Qatar, phía chủ đã phải chấp nhận bồi thường cho gia đình anh Bảy với số tiền hơn 54.000 USD.
Bộ
Ngoại giao đã chủ động chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và
Xã hội, Bộ Công an, các công ty phái cử nhanh chóng kịp thời tổ chức
Đoàn công tác liên ngành ra nước ngoài xử lý các vấn đề xung
đột giữa người lao động Việt Nam với chủ sử dụng lao động, với nước sở
tại hoặc trong nội bộ lao động Việt Nam, không để ảnh hưởng đến quyền
lợi của người lao động, cũng như hình ảnh của người Việt Nam ở nước
ngoài.
Một
số công dân chết ở nước ngoài, gia đình không có điều kiện sang đưa di
cốt về nước, đã được CQĐD giúp đỡ chuyển lọ tro về nước. Trước vụ việc
cô dâu người Việt Thạch Thị Hồng Ngọc bị người chồng Hàn Quốc tâm thần
sát hại, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã phối hợp với cơ quan chức
năng Hàn Quốc tìm hiểu, yêu cầu nhanh chóng điều tra kết luận và xử lý
nghiêm minh vụ việc. Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc đã mời Đại sứ Việt Nam đến để gửi lời chia buồn, và trao 10 triệu won (tương đương 8.300 USD) cho gia đình người đã mất. Đại sứ quán ta tại Hàn Quốc cũng đã cấp giấy tờ và giúp đỡ gia đình đưa hài cốt chị Ngọc về an táng tại quê nhà.
Hàng
nghìn lượt ngư dân của các tỉnh phía Nam đi đánh bắt cá xa bờ, vi phạm
lãnh hải một số nước láng giềng bị họ bắt, tịch thu tàu, phạt tiền, phạt
tù, trục xuất, hàng trăm lượt công dân xuất cảnh trái phép hoặc ra nước
ngoài rồi ở lại cư trú bất hợp pháp bị phía nước ngoài bắt giữ, CQĐD đã
cử người đến thăm, tạm ứng tiền giúp thu xếp chỗ ăn, ở gần CQĐD trong
khi chờ làm thủ tục, giúp mua vé máy bay đưa công dân về nước.
Hàng
chục lao động thuyền viên đi làm việc theo hợp đồng trên tàu đánh cá
của Hàn Quốc, Đài Loan gặp hỏa hoạn, cháy tàu hoặc khi tàu cập cảng một
số nước, đã tự ý bỏ hợp đồng, trốn lên bờ ở lại nước ngoài trái phép như
ở Panama, Pê-ru, Mexico, Côte-d’Ivoire, Tây Ban Nha… bị bắt, bị trục
xuất, đã được CQĐD tiến hành xác minh, cấp giấy tờ, chi tạm ứng từ Quỹ
BHCD giúp đỡ về nước. Trong vụ 10 thuyền viên VN làm việc trên tàu đánh
cá Đài Loan bị cảnh sát Nam Phi bắt và xét xử ở Cape Town ngày
05/5/2009, Cục Lãnh sự đã gặp gỡ và trao công hàm cho ĐSQ Nam Phi tại Hà
Nội, đồng thời hướng dẫn ĐSQ ta tại Nam Phi tìm hiểu rõ sự việc, phối
hợp đưa ra những phương án bảo hộ phù hợp, hiệu quả nhất. Kết quả 10
thuyền viên ta về nước an toàn ngày 22/6/2009. Với các thuyền viên bị
bắt giữ ở Costa Rica, Đại sứ quán Việt Nam tại
Panama đã cử cán bộ sang Costa Rica giúp đỡ họ về pháp lý, cấp giấy tờ
cần thiết, làm thủ tục xuất cảnh, đi cùng và đưa các lao động về nước an
toàn tối 05/6/2010.
Ngày
12/7/2010, nhận được thông tin về việc tàu Dung Quất 2 bị bắt giữ tại
Davao (Philippines) do hàng hóa chở trên tàu có dấu hiệu bị nhiễm nước,
Cục Lãnh sự đã có công hàm gửi Đại sứ quán Philippines tại Hà Nội đồng
thời chỉ đạo ĐSQ Việt Nam tại Philippines có công hàm gửi Tòa án Davao
đề nghị bạn nhanh chóng giải quyết vụ việc theo đúng luật pháp
Philippines và thông lệ quốc tế. Tàu Dung Quất 2 đã được thả về Việt Nam ngày 03/8/2010.
Trong
vụ khủng hoảng ở Thái Lan, khi phe biểu tình áo đỏ chiếm lĩnh sân bay
quốc tế năm 2009 làm đình trệ tất cả các chuyến bay, gần 1000 khách Việt
Nam không thể về nước theo dự kiến. Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo ĐSQ Việt
Nam tại Bangkok thuê một số chuyến xe bus lớn loại 46 chỗ, ưu tiên đưa
những hành khách là người già, phụ nữ, trẻ em, những người ốm đau và đi
công tác về nước qua ngả Campuchia và Lào.
Mới
đây, trong cơn bão số 1 (bão Conson) tháng 7/2010, 23 ngư dân Quảng
Ngãi, Khánh Hòa và Ninh Thuận gặp nạn, được phía Trung Quốc cứu giúp và
10 ngư dân trên tàu QNg.96354 TS bị chìm, được tàu Jade Trader (quốc
tịch Angua & Barbuda) cứu vớt, đã được Bộ Ngoại giao cùng với các cơ
quan hữu quan của Việt Nam và các CQĐD ta tại Trung Quốc phối hợp giải
quyết tốt công tác cứu hộ, cứu nạn đối với ngư dân ta tránh, trú bão ở
Hoàng Sa, nhanh chóng làm thủ tục đưa họ về nước an toàn.
Hàng
chục lượt phụ nữ bị lừa bán ra nước ngoài nhiều nhất là Trung Quốc,
Thái Lan, Malaysia, Campuchia cũng đã nhận được sự hỗ trợ của Quỹ BHCD
và sự giúp đỡ của CQĐD tại địa bàn để về nước an toàn.
Bộ
Ngoại giao đã tiến hành đàm phán và nêu yêu cầu với Chính phủ hai nước
Lào và Cam-pu-chia phối hợp giúp đỡ Bộ Quốc phòng ta tìm kiếm, cất bốc
và hồi hương hàng nghìn hài cốt quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh tại hai nước này.
Một số cán bộ, chiến sĩ trước
đây được Nhà nước ta cử đi học tập ở Trung Quốc, Liên Xô (cũ) bị chết
và được án táng tại các nước này. Gần đây, Cục Lãnh sự đã phối hợp với
các CQĐD tại địa bàn giúp đỡ người thân, gia đình họ làm thủ tục để cất
bốc hài cốt đưa về Việt Nam.
Bảo hộ công dân – nhiệm vụ trọng tâm của CQĐD VNONN
Những
năm qua, công tác bảo hộ luôn được thực hiện theo phương châm “Bảo hộ
chủ động, kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả”. Từ khi Quỹ Bảo hộ công dân
chính thức hoạt động đến nay, dưới sự chỉ đạo sát sao của Phó Thủ tướng
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, với tinh thần BHCD là một trong
những nhiệm vụ trọng tâm của các CQĐD VNONN, công tác BHCD đã có những
bước phát triển đột phá với nội dung, chất lượng cao.
Mọi
công dân VNONN, không phân biệt cán bộ Nhà nước hay nhân dân, khi ở
nước ngoài nếu gặp hoạn nạn, rủi ro cần được giúp đỡ, nếu trực tiếp đến
CQĐD, đều được CQĐD hướng dẫn, giúp đỡ theo Quy chế quản lý tài chính
của Quỹ BHCD. Người ở trong nước, nếu nhận được tin tức có thân nhân ở
nước ngoài gặp hoạn nạn, rủi ro cần được giúp đỡ và bản thân người bị
nạn không tự đi lại được, nếu có thông báo cho Cục Lãnh sự và có yêu cầu
được giúp đỡ, Cục Lãnh sự đều
chỉ đạo cho CQĐD cử người đến tận nơi tìm hiểu vụ việc và cung cấp những
giúp đỡ cần thiết nhằm giúp người bị nạn nhanh chóng vượt qua khó khăn
và hồi hương một cách nhanh nhất.
Trong
rất nhiều trường hợp, ngay khi nhận được thông tin trên các phương tiện
thông tin đại chúng trong và ngoài nước, liên quan đến công dân VNONN
bị bắt giữ, bị ngược đãi…, Bộ Ngoại giao đã chủ động chỉ đạo CQĐD cử cán
bộ lãnh sự đi đến tận nơi xảy ra vụ việc để tìm hiểu sự thật và tiến
hành công tác bảo hộ cần thiết đối với quyền lợi chính đáng của công
dân. Chính vì vậy, hàng nghìn lượt người đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ
của Quỹ và CQĐD để được trở về nước một cách an toàn.
Cùng
với quá trình hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế của đất nước, công
tác lãnh sự đã và đang có những bước chuyển tích cực, nhằm tạo điều kiện
thuận lợi cho công dân và pháp nhân Việt Nam ra nước ngoài và cho công
dân nước ngoài vào Việt Nam. Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác
đối với NVNONN đã khẳng định rõ: Việc
bảo hộ những quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và pháp nhân VNONN là
hết sức cần thiết, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân,
góp phần nâng cao vị thế chính trị, uy tín của Nhà nước ta đối với thế
giới cũng như trong con mắt NVNONN, góp phần khuyến khích, động viên
ngày càng nhiều hơn sự đóng góp của bà con vào sự nghiệp xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc.
Vũ Lê Hà
Trưởng phòng Lãnh sự ngoài nước
Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao